Hướng Dẫn Cúng Rằm Tháng 7 Đầy Đủ & Ý Nghĩa
Tết Trung Nguyên hay Lễ Vu Lan, diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch là dịp để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, người thân đã khuất. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa, thời gian cúng, lễ vật cần chuẩn bị và văn khấn.
tích, ý nghĩa của ngày rằm tháng 7
Ngày Rằm tháng 7 Âm Lịch được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Ngày Xá Tội Vong Nhân, Lễ Vu Lan Báo Hiếu. Đây được coi là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật Giáo (Đại Thừa Bắc Tông).
Lễ cúng Rằm tháng 7 bắt nguồn từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên với tấm lòng hiếu thảo với người mẹ. Chính vì thế, lễ Vu Lan hằng năm trở thành ngày tưởng nhớ và báo đáp công ơn cha mẹ, tổ tiên.
Theo truyền thuyết về ngày Vu Lan được ghi chép trong kinh Vu Lan, bà Thanh Đề - mẹ của Mục Kiền Liên, khi còn sống là người xấu xa, tham lam, thường xuyên lãng phí thức ăn. Thế nhưng, Mục Kiền Liên lại có tính cách hiền lành, tốt bụng, luôn quý trọng lương thực.
Sau khi qua đời, bà Thanh Đề bị đọa thành loài ngạ quỷ vì những ác nghiệp bà đã gây ra. Trong khi ấy, cậu bé Mục Kiền Liên xuất gia và trở thành một trong những người học trò giỏi nhất của Đức Phật Thích Ca.
Mục Kiền Liên luôn tưởng nhớ về người mẹ đã mất nên đã dùng phép thần thông tìm kiếm bà khắp trời đất. Khi biết mẹ đã hóa thành ngạ quỷ dưới địa ngục, ông đã tự mình mang cơm đến cho bà. Thế nhưng vì bà Thanh Đề phải dùng tay che bát cơm để tránh bị những cô hồn khác cướp mất nên thức ăn đều hóa thành lửa đỏ trước khi đưa vào miệng.
Đau lòng trước cảnh ngộ của mẹ, Mục Kiền Liên liền cầu xin lời khuyên của Đức Phật. Ngài dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách là nhờ đến sự hợp lực của các chư tăng khắp mười phương mới mong cứu giải được. Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, hãy sắm lễ vào ngày đó.” Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy và đã giúp linh hồn của người mẹ được giải thoát khỏi địa ngục.
Kể từ đó, cứ vào ngày Rằm tháng 7 Âm Lịch hằng năm, địa ngục sẽ ân xá cho các vong linh trở về thăm người thân ở Dương Thế. Người phàm trần chuẩn bị lễ cúng là để hiếu kính tổ tiên và cũng là giúp các cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa sớm được siêu thoát về cảnh giới an lành.
rằm tháng 7 vào ngày nào tốt?
Không giống như những ngày cúng bái khác, nghi lễ cúng Rằm tháng 7 có thể được tổ chức vào bất cứ ngày nào trong tháng 7 Âm Lịch, miễn là trước ngày 15/7.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, Diêm Vương sẽ mở cửa ngục từ ngày mùng 2 đến ngày 14/7 Âm Lịch. Trong khoảng thời gian này các vong hồn sẽ được trở về dương gian để nhận lễ vật của người phàm trần. Ngày 15/7 là kỳ hạn cuối cùng, khi đó người Âm phải nên đường về Địa Ngục nên sẽ khó được hưởng đồ thờ cúng trong ngày này. Vậy nên, người ta tin rằng lễ cúng Rằm tháng 7 phải được thực hiện trước ngày 15/7 Âm Lịch thì mới linh nghiệm.
rằm tháng 7 vào giờ nào trong ngày?
Ngày Rằm tháng 7 vừa là dịp con cháu báo hiếu tổ tiên cũng là lễ cầu siêu phổ độ những linh hồn tội lỗi. Lễ cúng dâng tổ tiên nên được thực hiện vào ban ngày, tốt nhất là vào 11h-12h trưa.
Trong khi đó, nếu gia chủ muốn bố thí cho các cô hồn thì phải làm lễ cúng cô hồn vào buổi chiều tối hoặc tối. Đó là bởi vì các vong hồn rất sợ ánh sáng mặt trời nên không dám đi ra ngoài nhận lễ vào ban ngày.
bị mâm cúng rằm tháng 7
Lễ cúng Rằm tháng 7 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên các gia đình nên chuẩn bị lễ vật thật trang trọng, chu đáo.
Mâm cúng bàn Phật
Nếu gia chủ lập bàn thờ Phật tại nhà thì cũng phải làm mâm cỗ cúng vì ngày Rằm tháng 7 là ngày lễ lớn đối với những người tin vào tôn giáo này. Lễ vật dâng Phật nhất định phải là đồ chay. Đồ cúng Phật chỉ nên chia cho người nhà.
Mâm cúng trong nhà
Lễ cúng trong nhà có mục đích là để bày tỏ sự hiểu thảo, thành kính với các vị thần linh và gia tiên. Người ta thường chuẩn bị lễ vật với các món mặn thơm ngon để cúng trên bàn thờ gia tiên.
Bên cạnh đó, mâm cúng trong nhà vẫn phải có trái cây, hoa tươi, rượu, tiền âm phủ và vàng mã, đặc biệt là những vật dụng, quần áo, giày dép... bằng giấy cho vong hồn.
Khi hương đã tàn, gia chủ nên tạ lễ và mang vàng mã đi hóa ngay để ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia có thể nhận được. Cuối cùng các thành viên trong gia đình có thể thưởng thức các mâm cỗ.
Mâm cúng ngoài trời
Người ta làm lễ cúng cô hồn với mục đích bố thí thức ăn cho các vong hồn cô đơn, không nơi nương tựa, để họ sớm được siêu thoát. Vậy nên, mâm cúng phải được đặt ở sân nhà hoặc trước cổng nhà.
Người xưa cho rằng, cúng lễ mặn cho các cô hồn là điều tối kỵ vì những thứ đồ ăn này khởi nên tham, sân, si của các vong hồn, càng khiến họ khó được siêu thoát. Nên chuẩn bị thật nhiều vàng mã và rải đều trên mâm cúng. Các nén hương cũng nên được cắm ở xung quanh lễ vật. Bên cạnh đó, hoa tươi, nến, gạo và muối cũng phải được chuẩn bị đầy đủ.
Khi nghi lễ kết thúc, gia chủ nên rắc gạo và muối ra sân hoặc con đường trước nhà. Vàng mã nên được đem đi hóa ngay sau đó để ban cho chúng sinh.
Đồ cúng có thể được đem chia cho hàng xóm láng giềng. Ở một số vùng miền, người ta cho phép người lạ đến giật đồ cúng vì họ quan niệm rằng càng nhiều người đến lấy đồ cúng thì gia chủ sẽ càng gặp nhiều may mắn, phúc lộc. Những đồ giành được trong lễ cúng cô hồn có thể được dùng bình thường, không phải lo lắng gì cả.
ý các món ngon cúng rằm tháng 7
Lễ cúng Rằm tháng 7 rất đặc biệt nên gia chủ cũng cần phải lưu ý một số nguyên tắc khi chuẩn bị các món ăn trong mâm cúng.
Món chay
- Ngũ quả (5 loại hoa quả với 5 màu sắc khác nhau): Ở mỗi bàn thờ đều phải bày biện một đĩa hoa quả tươi ngon.
- Bánh kẹo: Tương tự như hoa quả, bánh kẹo nên được đặt lên tất cả bàn thờ trong khi làm lễ cúng.
Sau đây là các lễ vật dành riêng cho lễ cúng cô hồn:
- 12 chén cháo gạo nấu loãng: Theo quan niệm của Phật Giáo, trên đời tồn tại 12 loại cô hồn. Đó là linh hồn của những người tạo ác nghiệp nên bị đày đọa phải mang thực quản nhỏ hẹp nên chỉ có thể ăn cháo loãng, khó nuốt được thức ăn bình thường.
- 12 cục đường thẻ.
- Chè.
- Bỏng ngô.
- Khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
- Mía: Để nguyên vỏ, chặt ra thành từng khúc.
Món mặn
- Các chén cơm tẻ trắng.
- Gà luộc.
- Xôi dừa, xôi đỗ, xôi gấc.
- Nem rán.
- Giò, chả.
- Canh rau củ thập cẩm.
văn khấn cúng rằm tháng 7
Văn khấn thần linh
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy…….
Tín chủ chúng con là…..
Ngụ tại…….
Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mới ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.
Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.
Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Văn khấn tổ tiên
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh
Tín chủ (chúng) con là:....................................
Ngụ tại:.......................................................
Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm .............Chúng con thành tâm kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ....................
Chúng con cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
Văn khấn cô hồn
Kính lễ mười phương Tam bảo chứng minh.
Hôm nay ngày………….Chúng con tên…………..
Ở tại số nhà…………………………………………
Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ, Kỳ an gia trạch, Kỳ an bổn mạng. Nhờ ơn tế độ, thêm sự phước duyên, nguyện xin gia đình yên ổn,thuận lợi bán buôn, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu thế giới hòa bình ,nhơn sanh phước lạc.
Kính thỉnh:
Cô hồn xuất tại côn lôn.
Ở tam kì nghiệp, cô hồn vô số.
Những là mãn giả hằng hà.
Đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn nhỏ.
Ôi! Âm linh ơi, cô hồn hỡi.
Sống đã chịu một đời phiền não.Chết lại nhờ hớp cháo lá đa.
Thương thay cũng phận người ta.
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu.
Đàn cúng thí vâng lời Phật dạy.
Của có chi, bát nước nén nhang.
Cũng là manh áo thoi vàng.
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại.
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều.
Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi tế độ.
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng.
Độ cho nhứt thiết siêu thăng thượng đài.
Chân ngôn biến thực: Nam mô tát phạt đát tha nga đa, phà lồ chí đế án tam bạt ra,tam bạt ra hồng (3 lần).
Chân ngôn cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạt phiệt nhựt ra hồng (3 lần).
tháng 7 - Lễ Vu Lan nên làm gì?
Trong tháng 7 Âm Lịch, gia chủ nên sắp xếp thời gian đi thăm và sửa sang lại mộ phần của những người đã khuất trong gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người hành hương về các ngôi chùa để cầu khấn thần Phật.
Trong ngày này tại Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khởi xướng nghi thức “Bông hồng cài áo” tại các ngôi chùa để nhắc nhở mọi người về đạo hiếu làm con. Những người tham gia nghi lễ này đều cài hoa hồng trên ngực áo. Những người cài bông hồng đỏ là vẫn còn mẹ, trong khi đó bông hồng trắng dành cho những ai đã mất mẹ.
Người ta vẫn truyền tai nhau rằng tháng 7 Âm Lịch là khoảng thời gian xui xẻo nhất trong năm vì những vong hồn khi trở lại dương gian sẽ quấy nhiễu người trần. Vậy nên, nhiều người sẽ tránh làm những công việc quan trọng như ký kết hợp đồng, mua bán nhà cửa, sửa nhà, khởi công, nhập trạch... trong tháng này.
Tháng 7 Âm Lịch, âm khí thịnh vượng nên người ta thường ăn chay, tránh sát sinh để không bị nghiệp báo. Ngoài ra, mọi người nên kiêng làm một số điều như đi chơi đêm, nhổ lông chân, phơi quần áo vào ban đêm,...
Tìm hiểu thêm về những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn: Tháng 7 Âm lịch và những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn
Mong rằng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về ngày Rằm tháng 7. Ngày lễ này chứa đựng ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc nên cần được trân trọng, giữ gìn.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!
Về bài viết này
Người viết
Chía sẻ về bài viết
Lưu ý: Bài viết này được tổng hợp từ nhiều nguồn đáng tin cậy để cung cấp thông tin hữu ích nhất cho bạn.