Cúng Giao Thừa 2024: Đón Năm Mới May Mắn, An Khang
Tết đang đến rất gần, cũng là lúc gia đình nào cũng chuẩn bị cho nghi lễ cúng giao thừa. Đây là nghi lễ tâm linh quan trọng, tiễn năm cũ, đón năm mới với mong muốn may mắn, bình an cả năm.
Cúng giao thừa là gì?
Cúng giao thừa là một phong tục truyền thống lâu đời trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Nghi lễ này được thực hiện vào đêm giao thừa nên mới có tên là lễ cúng giao thừa hay trong tiếng Hán còn được gọi là lễ Trừ tịch.
Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là diệt trừ ma quỷ, đẩy lùi vận xui, loại bỏ những điều xấu của năm cũ để đón chào những điều may mắn, tích cực của năm mới. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cúng dâng lên các vị thần linh để cầu bình an, tài lộc.
Ngoài ra, đây còn là dịp đặc biệt trong năm để người đi xa trở về nhà sum họp, quây quần bên gia đình, cùng nhau tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới với nhiều hy vọng và niềm vui.
Giờ cúng giao thừa 2024 đem lại may mắn cả năm
Giao thừa là khoảnh khắc trời đất giao hòa, chuyển giao năm cũ và năm mới. Vào thời khắc linh thiêng này, các gia đình sẽ tổ chức lễ cúng giao thừa, cụ thể là giờ Tý, bắt đầu từ 11 giờ đêm và kết thúc vào 1 giờ sáng mùng 1 Tết. Đây được xem là thời điểm để tiễn vị thần cũ về trời và đón tiếp vị thần mới đến cai quản hạ giới.
Vào năm Giáp Thìn 2024, đêm giao thừa sẽ diễn ra vào thứ 6 ngày 09/02/2024 (tức 30 Tết âm lịch). Vì vậy, để đón nhận may mắn trong năm mới, giờ cúng giao thừa 2024 tốt nhất rơi vào khung giờ từ 11 giờ đêm ngày 09/02 đến 1 giờ sáng hôm sau.
Nên chuẩn bị lễ cúng giao thừa 2024 như thế nào?
Để có một năm mới sung túc, an khang, ngoài việc chọn giờ cúng giao thừa 2024, gia chủ cũng cần chuẩn bị lễ cúng tươm tất. Đây còn là cách để bày tỏ lòng thành đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên.
Thông thường, mỗi gia đình đều có 2 mâm cúng giao thừa, bao gồm mâm cúng trong nhà và mâm cúng ngoài trời. Tùy từng gia chủ có thể cúng đồ mặn hoặc đồ chay với số lượng lễ vật khác nhau. Dưới đây là cách chuẩn bị 2 lễ cúng giao thừa phổ biến ở các gia đình Việt:
Lễ cúng giao thừa ngoài trời
Theo quan niệm dân gian, việc tổ chức lễ cúng giao thừa ngoài trời mỗi năm là để đón quan hành khiển mới do thiên đình cử xuống cai quản hạ giới, đồng thời tiễn vị quan cũ về trời.
Trên mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường có những lễ vật chính như hương, hoa, ngũ quả, đèn nến, trầu cau, muối, gạo, trà rượu, bộ quần áo thần linh, gà luộc, bánh chưng hoặc bánh tét. Ngoài ra, lễ cúng còn có một số món ăn truyền thống khác tùy theo từng địa phương và quan niệm của mỗi gia đình.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, gia chủ sẽ bày trí lên bàn một cách trang trọng và đặt ở trước cửa nhà. Vào giờ cúng giao thừa 2024, gia chủ sẽ thắp hương, đèn nến và rót trà, rượu, sau đó thành tâm đọc văn khấn để cầu cho một năm bình an, may mắn.
Lễ cúng giao thừa trong nhà
Nghi thức cúng giao thừa trong nhà dành để dâng cúng cho ông bà, tổ tiên, thành kính mời về đoàn tụ cùng gia đình trong dịp Tết. Con cháu trong nhà sẽ cầu mong gia tiên phù hộ cho gia đình luôn khỏe mạnh, bình an, làm ăn phát đạt, con đường học hành, sự nghiệp đạt nhiều thành quả tốt đẹp.
Một số lễ vật trên mâm cúng trong nhà tương tự với mâm cúng ngoài trời như hương, hoa, đèn nến, trầu cau, trà rượu, ngũ quả, gà luộc, bánh chưng, bánh tét. Tuy nhiên, quần áo, mũ nón thần linh sẽ không có trong lễ cúng này.
Đặc biệt, lễ cúng trong nhà thường phong phú hơn vì được bày biện thêm các món ăn đặc trưng ngày Tết như giò, chả, xôi gấc, thịt luộc, thịt kho trứng, dưa hành, củ kiệu, bánh kẹo, mứt Tết, rượu bia,...
Đến giờ cúng giao thừa 2024, con cháu sẽ thắp nhang, đèn, khấn vái ông bà, tổ tiên một cách thành kính để đón một năm mới tốt lành.
Ngày nay, mâm cỗ cúng giao thừa không còn quá cầu kỳ nhưng vẫn đảm bảo lễ vật tươi mới, được bày biện ngay ngắn trên bàn và đến giờ cúng mới mang ra. Tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình, bạn có thể sắm sửa lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, lòng thành và sự trang nghiêm khi thực hiện nghi thức mới là điều quan trọng nhất.
Những lưu ý khi cúng giao thừa 2024
Việc cúng giao thừa mang đến cho gia đình những điều tốt lành và bình an trong năm mới 2024. Gia chủ không chỉ nên tổ chức nghi thức đúng giờ cúng giao thừa 2024 mà còn cần nắm một số lưu ý quan trọng sau:
- Mỗi gia đình nên chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà. Gia chủ cần làm lễ cúng giao thừa ngoài trời trước, sau đó mới làm lễ trong nhà.
- Đối với những gia đình sống trong chung cư, chỉ cần làm 1 nghi lễ trong nhà vì với lễ cúng giao thừa ngoài trời, lễ vật cần được dâng lên trời và đất nên không thể bày lễ quá xa mặt đất.
- Lễ vật cần được chuẩn bị từ trước và bày biện sẵn trước giờ làm lễ cúng giao thừa, đến giờ bạn chỉ cần thắp hương và khấn nguyện.
- Khi cúng ngoài trời, nên đặt bàn lễ vật theo hướng bắc để cúng Thượng Đế hoặc hướng Đông để cúng Thiên Tử.
- Khi cúng trong nhà, trên bàn thờ sẽ đặt hương, hoa, đèn, nến, ngũ quả, tiền vàng. Gia chủ để một chiếc bàn nhỏ ở ngay dưới bàn thờ để bày các món ăn mặn, ngọt hoặc chay tùy theo mỗi gia đình.
- Để lễ cúng giao thừa được trang nghiêm, người thực hiện nghi thức cần ăn mặc chỉnh tề, lịch sự. Những người xung quanh cần tập trung vào lễ cúng, không nói chuyện riêng gây mất trật tự.
- Văn khấn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và phù hợp. Người đọc phải đọc to, rõ ràng, trôi chảy thì năm mới mới có thể suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió.
Những việc nên làm sau khi cúng giao thừa 2024
Khi giờ cúng giao thừa 2024 đã qua, bạn nên làm những việc sau đây để đón một năm mới may mắn:
Mua muối đầu năm
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là quan niệm được ông cha ta truyền lại và duy trì đến ngày nay. Muối giúp tình cảm gia đình thêm đậm đà, hòa thuận và gắn kết cũng như gia tăng sự thân thiết với các mối quan hệ xã hội, kinh doanh. Ngoài ý nghĩa tốt đẹp trên, mua muối còn để xua đuổi ma quỷ, đẩy lùi vận xui, ám khí.
Bên cạnh đó, trong mâm cúng giao thừa của nhiều gia đình cũng có muối. Ở một số địa phương, sau khi hết giờ cúng giao thừa 2024, người ta sẽ rải muối ở trước sân hoặc trước bàn cúng đối với lễ cúng ngoài trời.
Chọn giờ và hướng xuất hành
Gia chủ sẽ xuất hành vào đầu năm mới để tìm vận may cho bản thân và gia đình. Trước khi đi ra khỏi nhà, bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng để chọn giờ hoàng đạo và hướng xuất hành tốt, nhất là phải hợp với năm tuổi để gặp nhiều may mắn, tránh được xui xẻo, điềm xấu.
Chùa, đền, miếu thường là điểm đến đầu tiên của nhiều người sau đêm giao thừa. Những người đến đây để cầu xin Đức Phật những điều tốt lành và thuận lợi sẽ đến trong năm mới. Đặc biệt, khi đến lễ chùa, người ta sẽ bẻ một cành lá trong chùa để mang về đặt trên bàn thờ gia tiên. Đây được gọi là phong tục hái lộc đầu năm.
Xông đất
Xông đất đầu năm hay còn gọi là đạp đất là phong tục ngày Tết lâu đời của người Việt. Theo quan niệm của người xưa, người hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ đến chúc Tết đầu tiên sẽ giúp cho gia đình của gia chủ cả năm sung túc, sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi.
Người xông đất là một người bất kỳ nào đó đến nhà chúc Tết hoặc là người hợp tuổi được gia chủ chọn từ trước. Người được chọn có thể là thành viên trong gia đình, họ hàng để tự xông đất cho nhà mình.
Hiện nay, phần lớn các gia đình không còn quá đặt nặng vấn đề hợp tuổi của người đến xông đất. Vì thế, bất cứ ai đến nhà đầu tiên đều được gia chủ tiếp đón vui vẻ, nhiệt tình.
Chúc Tết
Phong tục chúc Tết là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người Việt trong những ngày đầu năm mới. Những lời chúc thường mang ý nghĩa tốt đẹp như sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt,... Đây còn là cách để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và gắn kết những mối quan hệ khác ngoài xã hội.
Mừng tuổi
Trong dịp Tết Nguyên Đán, bên cạnh những lời chúc tốt đẹp thì mừng tuổi là phong tục không thể thiếu. Trẻ em và người già sẽ nhận được những phong bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, cát tường. Bên trong phong bì thường có chứa một ít tiền để lấy may mắn đầu năm. Phong tục này mang ý nghĩa vui vẻ là chính, vì thế, không nên quan trọng hóa vấn đề tiền bạc nhiều hay ít.
Giờ cúng giao thừa 2024 tốt nên bắt đầu từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng mùng 1. Các gia đình cần chuẩn bị lễ cúng chu đáo tùy theo điều kiện kinh tế. Điều quan trọng nằm ở lòng thành nên gia chủ có thể cân nhắc sắm sửa lễ vật hợp lý. Sau khi cúng giao thừa, việc xuất hành, xông đất hay chúc Tết đầu năm sẽ giúp cho gia đình có một năm mới an vui, hạnh phúc và phát đạt.
Về bài viết này
Người viết
Chía sẻ về bài viết
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn chi tiết về cách cúng giao thừa 2024, đảm bảo đầy đủ, chuẩn bị chu đáo, để bạn đón năm mới trọn vẹn nhất!
Thẻ Tag của bài viết
Cúng Giao Thừa, Giờ Cúng Giao Thừa, Chuẩn Bị Lễ Cúng Giao Thừa, Lễ Cúng Giao Thừa Ngoài Trời, Lễ Cúng Giao Thừa Trong Nhà.