Tết Thanh Minh: Nguồn Cội, Ý Nghĩa & Nghi Lễ

Tết Thanh Minh, một ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt, mang nhiều giá trị văn hóa sâu sắc. Hãy cùng khám phá nguồn gốc, ý nghĩa và những nghi lễ ý nghĩa của ngày Tết đặc biệt này.

Tết Thanh Minh

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Thanh Minh là gì?

Thanh Minh hay còn gọi là Tiết Thanh Minh là 1 trong 24 tiết khí hàng năm. Thanh Minh dịch theo nghĩa đen có nghĩa là khí trời mát mẻ, sáng sủa. Nó được bắt đầu sau lập xuân 45 ngày và sau đông chí 105 ngày. Tiết Thanh Minh không phải là một ngày cụ thể mà kéo dài 15-16 ngày.

Nhiều người lầm tưởng ngày này sẽ được tính theo lịch âm vào tháng 3, nhưng thật ra nó được tính theo ngày dương lịch. Tiết Thanh Minh bắt đầu vào mùng 4 hoặc 5 tháng 4 và kết thúc ngày 20 hoặc 21 tháng 4.

Vậy ý nghĩa ngày Thanh Minh là gì? Đây là một dịp trong năm để con cháu thể hiện đạo hiếu kính với những người thân đã mất. Vào ngày này, dù con cháu đang ở đâu thì cũng về quê tụ họp để đi tảo mộ và sum vầy cùng gia đình.

Theo ý nghĩa tâm linh, việc làm này cũng góp phần giúp an ủi vong linh người đã khuất. Đây là một phong tục mang tính nhân văn, nhắc nhở nhau phải sống hướng về nguồn cội, biết ơn người đi trước. Không chỉ vậy, ông bà cha mẹ còn dạy bảo con cháu phải hiếu kính với những người thân còn sống.

Ý nghĩa ngày Thanh Minh là để tỏ lòng thành với tổ tiên, người đã khuất

Tảo mộ - Việc làm thể hiện ý nghĩa ngày Thanh Minh của người Việt

Thanh Minh không phải là một ngày Tết lớn của người Việt. Ngày nay, các tục lệ văn hóa cổ truyền cũng đang dần mai một, nhường chỗ cho đời sống hiện đại. Thế nhưng, ý nghĩa ngày Thanh Minh vẫn vẹn toàn trong tâm thức những người con Việt Nam. Đây chính là ngày mà chúng ta thể hiện bổn phận của con cháu với cha ông, với những người đi trước.

Chính vì vậy, trong ngày Thanh Minh, việc làm quan trọng nhất chính là Tảo mộ:

Thanh Minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh

(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Thông thường, mồ mả tổ tiên sẽ được dọn dẹp vào ngày giỗ, vào năm mới. Ông bà xưa cũng chọn thêm ngày Thanh Minh để con cháu tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên, những người thân yêu đã khuất.

Chính vì vậy, trong ngày Thanh Minh này, con cháu sẽ tề tựu đông đủ và cùng đi tảo mộ. Khi đi, sẽ mang theo nhiều dụng cụ như cuốc, xẻng để làm sạch cỏ dại, dọn dẹp sạch sẽ các hang chuột, hang rắn.

Mồ mả tổ tiên được dọn dẹp, vun đắp thêm đất mới. Đây chính là tấm lòng thành kính của con cháu, mong muốn ngôi mộ sạch sẽ khang trang, những bụi trần thế tục không phạm đến linh hồn người đã khuất.

Sau khi dọn dẹp sạch các ngôi mộ, nếu có thời gian, gia đình cũng sẽ dọn dẹp những ngôi mộ “cô đơn”, vô chủ. Những ngôi mộ được dọn dẹp xong sẽ được thắp hương, đốt vàng mã, cắm thêm bình hoa, châm thêm chén nước. Tùy phong tục từng gia đình mà có thể bày biện cỗ cúng ở ngoài mộ hay không.

Ngoài ra, tiết Thanh Minh cũng là lúc tiết trời ở độ xuân mặn mà nhất. Lúc này, cây cối đâm chồi nảy lộc, mơn mởn xanh tươi. Thời tiết không quá nóng cũng không quá lạnh.

Do đó, đi tảo mộ người lớn cũng sẽ cho cả trẻ con đi. Không chỉ là giúp con trẻ nhận biết phần mộ tổ tiên, hiểu về ý nghĩa ngày Thanh Minh mà còn giúp trẻ hiểu được đạo nghĩa, lòng kính ngưỡng với gia tiên và cách thực hành các nghi lễ truyền thống. Tảo mộ cũng như một chuyến du hành, tham quan, dã ngoại, gắn kết tình thân gia đình.

Tảo mộ là việc làm truyền thống trong ngày Thanh Minh

Mâm cúng Thanh Minh: Lòng thành dâng lên Thần Phật, Tổ tiên đầy đủ nhất

Để hiểu đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa ngày Thanh Minh thì bạn không nên bỏ qua tục lệ chuẩn bị mâm cúng trong dịp này. Mâm cúng chính là thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên. Mặc dù không phải là ngày giỗ, nhưng đến ngày này, nhà nhà sẽ quây quần lại, cùng chuẩn bị đồ cúng gia tiên, duy trì nếp văn hóa truyền thống tốt đẹp ông cha để lại về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Mâm cúng Tết Thanh Minh tại nhà gồm những gì?

Tết Thanh Minh không có yêu cầu đặc biệt nào về mâm cúng. Tùy phong tục địa phương cũng như truyền thống của từng gia đình, cách sửa soạn mâm cúng cũng sẽ không giống nhau. Mỗi gia đình sẽ tự chuẩn bị tùy thuộc vào điều kiện của mình.

    Mâm cúng mặn: Có thể có các món ăn như xôi, chè, gà luộc, heo quay, thịt bò xào, rau củ xào hải sản, món canh, chả giò,...
  • Mâm cúng chay: Xôi, cà ri chay, chả giò chay, rau xào, nấm kho đậu hũ, rau củ luộc kho quẹt chay, bún xào chay, gỏi mít, gỏi ngó sen…

Và dù là mâm cúng chay hay mặn, thì nếu đã bày biện mâm cúng cũng cần có trái cây, hoa tươi, vàng mã, trầu cau. Đây là những lễ vật không thể thiếu để giúp mâm cúng thể hiện đủ lễ, chứng minh được lòng thành của con cháu với tổ tiên.

Còn nếu gia đình bạn không nấu cỗ để cúng Tết Thanh Minh, thì chỉ cần mua hoa quả về thắp hương là được. Có thể thêm ít bánh kẹo cũng đủ để bày tỏ được lòng thành kính của mình.

Mâm cúng Thanh Minh trong nhà được chuẩn bị theo điều kiện và phong tục từng địa phương

Mâm cúng Tết Thanh Minh ngoài mộ cần chuẩn bị những gì?

Nếu gia chủ cúng Thanh Minh ngoài mộ, mâm cỗ cũng cần được chuẩn bị chu đáo như ở nhà. Lễ chay và lễ mặn cũng được chuẩn bị gọn gàng, tươm tất. Đồ ăn nên được nấu sẵn ở nhà, sau đó gói đem ra ngoài mộ. Tuy nhiên, vì mâm cúng được bày ở ngoài mộ nên gia chủ cần phải sắm đầy đủ các vật dụng để làm lễ cúng như: Hương, đèn, chè, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau… trước khi đi.

Khi làm mâm cỗ cúng, cũng không cần quá cầu kỳ như khi cúng ở nhà. Các món cúng ngoài mộ nên được ưu tiên là:

    Mâm cúng mặn: Rượu, thịt heo luộc, chân giò luộc, gà luộc, khoanh giò lụa.
  • Mâm cúng chay: Xôi chè, bánh trái, bỏng, gạo, muối.

Nếu ngoài mộ có nhiều bát hương thì bát hương nào cũng cần được thắp hương. Còn lễ vật cúng thì có thể để chung với nhau.

Việc cúng ở ngoài mộ chỉ nên được thực hiện sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ mộ phần. Một người đứng đại diện cúng, còn những con cháu cùng ra mộ sẽ đứng phía sau và chắp tay lại để thể hiện lòng thành kính của mình với ông bà tổ tiên đã mất.

Trước khi dâng mâm cúng cần dọn dẹp sạch sẽ mộ phần, bàn thờ

Thanh Minh nên và không nên làm gì?

Những điều nên làm trong ngày Thanh Minh

Để tỏ lòng hiếu thuận, tưởng nhớ tổ tiên thì vào ngày Thanh Minh mọi người nên chú ý những điều sau:

  • Đi tảo mộ, dọn dẹp cỏ, quét sạch rác, sơn sửa lại mộ phần của ông bà tổ tiên.

  • Dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ.

  • Chuẩn bị mâm cúng Thanh Minh để bày tỏ tấm lòng thành kính với những người thân đã qua đời, thể hiện đúng ý nghĩa ngày Thanh Minh theo phong tục người Việt.

Tránh làm những điều này vào Thanh Minh để không gặp xui xẻo

Khi đi tảo mộ có một số lưu ý đặc biệt bạn nên ghi nhớ để tránh gặp vận xui không đáng có:

  • Đi ngang mộ phần không giẫm đạp, đá đổ đồ cúng của người khác. Đây là một điều vô cùng tối kị, không riêng vào Tiết Thanh Minh mà vào bất cứ thời điểm nào bạn cũng nên ghi nhớ.

  • Với phụ nữ trong ngày hành kinh, phụ nữ đang mang thai, người bị phong hàn thấp khớp không nên đi tảo mộ. Nơi tập trung nhiều mộ phần sẽ có nhiều âm khí ảnh hưởng không tốt đến những người này.

  • Khuyến khích mọi người hạn chế chụp ảnh ở khu vực nghĩa trang, mộ phần người mất dù là người thân hay người lạ.

  • Khi dọn dẹp nên dọn sạch sẽ, kỹ càng và cẩn thận tránh chuột bọ hay rắn rết bò vào bên trong mộ.

  • Không bàn tán chỉ trỏ vào những ngôi mộ để tránh mang đến vận xui không đáng có. Bên cạnh đó đây cũng là sự tôn trọng cần thiết dành cho người đã khuất.

Luôn bày tỏ sự kính trọng với tất cả mộ phần người đã khuất

Thanh Minh 2024 là ngày nào?

Ngày Thanh Minh sẽ cách thời điểm lập xuân 45 ngày. Như vậy trong năm 2024 Thanh Minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch (tức ngày 26/2 theo âm lịch). Đây là ngày bắt đầu cho Tiết Thanh Minh và kéo dài đến 20/4 dương lịch.

Theo phong thủy, đây là sự kiện tâm linh quan trọng trong năm của người Việt. Vậy nên để việc cúng bái diễn ra tốt đẹp bạn nên xuất hành vào khung giờ 7h-9h sáng ngày 4/4.

Nên cúng Tết Thanh Minh ở ngoài mộ hay ở nhà trước?

Hiểu được ý nghĩa ngày Thanh Minh, chúng ta sẽ thấy được vì sao trong ngày này không khí tại các nghĩa trang vô cùng nhộn nhịp. Vậy cúng Thanh Minh thì nên cúng ở ngoài mộ trước hay cúng ở nhà trước? Thông thường, chọn một ngày có tiết trời đẹp, cả gia đình sẽ cùng nhau đi viếng mộ, dọn dẹp mộ phần. Công việc này sẽ được tiến hành vào buổi sáng để nhận được nhiều cát khí, an lành hơn so với chiều tối.

Sau khi tảo mộ xong, gia chủ sẽ bày biện mâm cúng ngoài mộ. Nếu không có mâm cúng thì có thể thắp hương, bày biện hoa quả. Hoàn tất mọi việc, cần đợi hương cháy ít nhất ⅔. Sau đó mới tiến hành tạ lễ, hóa vàng (đốt vàng mã), xin lộc. Mọi người trong gia đình sau đó mới trở về nhà, chuẩn bị bày biện để cúng lễ ở nhà tại bàn thờ gia tiên.

Như vậy, để thể hiện đúng ý nghĩa ngày Thanh Minh, việc cúng kiếng cần được thực hiện trước ở ngoài mộ. Thậm chí, với nhiều gia đình thì có thể không cần chuẩn bị mâm cúng, nhưng việc tảo mộ sẽ là việc cần được ưu tiên hàng đầu trong tiết Thanh Minh.

Ý nghĩa ngày Thanh Minh với dân tộc Việt Nam mang một giá trị truyền thống cao đẹp. Tiết Thanh Minh là thời điểm để gia đình sum họp, kính nhớ tổ tiên và truyền đạt văn hóa từ đời này qua đời khác. Dù đi đâu, bạn cũng đừng bao giờ quên hướng về cội nguồn, tổ tiên.

Về bài viết này

Người viết

Tác giả:
Thiên Tường
Đến từ:
Đắk Lắk
Tuổi:
34
"Tảo mộ ngày Thanh Minh, nhớ về nguồn cội, tri ân người đã khuất." -- Tục ngữ Việt Nam

Chía sẻ về bài viết

Vì sao tôi viết bài này? Tôi muốn chia sẻ những thông tin hữu ích và thú vị về Tết Thanh Minh, giúp bạn hiểu sâu hơn về phong tục truyền thống đáng trân trọng của dân tộc ta.

Thẻ Tag của bài viết

Tết Thanh Minh, Nguồn Gốc, Ý Nghĩa, Nghi Lễ, Tảo Mộ, Mâm Cúng.

Danh mục
null